Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

Giống bưởi đường Hoài Đức

Tôi lặng ngắm dòng sông Đáy đang chảy lững lờ qua những đồng bãi mướt mát màu xanh mà nhớ đến xứ Đoài - một trong tứ trấn của Kinh thành Thăng Long thủa nào. Nơi đây có mật độ dày đặc những công trình lịch sử như làng cổ Đường Lâm, quán Giá, chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Mía, đình Tây Đằng… Đặc biệt trong vùng còn có di chỉ Vinh Quang thuộc xã Cát Quế, huyện Hoài Đức được các nhà khảo cổ xác định có niên đại trên dưới 3.000 năm, mang nhiều dấu tích người Việt cổ với những hoạt động nông nghiệp như dệt, làm gốm, đúc đồng, cấy lúa.

Mặc dầu vậy, không mấy người biết đến xứ Đoài còn có một nguồn tài nguyên khác cũng rất giàu có, ít nơi nào sánh kịp, đó là nguồn tài nguyên di truyền thực vật. Chỉ trong vòng bán kính khoảng 15km dọc theo sông Đáy tính từ đập Phùng (huyện Đan Phượng) cho đến hết đất huyện Hoài Đức mà có tới 5 nguồn gen quý được vinh dự điểm danh vào nguồn gen cây trồng đặc sản quốc gia gồm: Cam Canh (thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức), bưởi Diễn (thuộc xã Phú Diễn, Phú Minh huyện Từ Liêm), hồng Yên Thôn (thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất), quýt Tích Giang (thuộc xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ), nhãn Đại Thành (thuộc xã Đại Thành, huyện Quốc Oai).

Một cây cầu qua sông Đáy. Ảnh: Tư liệu.

Theo kết quả điều tra của Trung tâm Tài nguyên Thực vật trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nguồn gen bưởi ở huyện Hoài Đức nơi lưu vực sông Đáy chảy qua khá phong phú. Đặc biệt tại xã Cát Quế có tới 21 nguồn gen khác nhau, trong có 14 nguồn gen bưởi địa phương (bưởi đường chín sớm có 5 nguồn gen, bưởi đường chín muộn 2 nguồn gen và bưởi chua có 7 nguồn gen). Hầu hết các nguồn gen trên do người dân chọn lọc, lưu giữ và phát triển từ cây trồng bằng hạt ban đầu.

Lý giải cho sự giàu có này, GS.TS Vũ Mạnh Hải - một trong những chuyên gia đầu ngành về cây ăn quả cho rằng lưu vực sông Đáy là nơi giao thoa giữa miền núi, trung du và đồng bằng: “Trong các loài cây ăn quả thì bưởi rất thích hợp ở những vùng ven sông, gần châu thổ vì sinh khối khá lớn, yêu cầu dinh dưỡng cao. Lưu vực sông Đáy là nơi tụ hợp, làm nên sự đa dạng quỹ gen ấy. Hiện người ta mới chỉ khai thác được một số giống nhưng tôi tin rằng trong tương lai, chắc chắn sự đa dạng quỹ gen ấy sẽ còn được khai thác tiếp nữa.

Ông Nguyễn Ngọc Giàng (bên trái) người làng La Tinh, xã Đông La, huyện Hoài Đức giới thiệu về những gốc bưởi đường La Tinh trong vườn. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên lưu vực sông Đáy đã hình thành nên nhiều giống bưởi trong đó có những loại rất quý. Tôi đánh giá bưởi đường La Tinh là một giống chất lượng cao nhất nhì ở đây bởi nó có độ brix (ngọt) vào khoảng 13 - 14. Tất nhiên mỗi loài bưởi lại có ưu nhược điểm riêng, như bưởi đường Quế Dương độ brix khoảng 11 nhưng nó lại có ưu điểm về sức sống, sinh trưởng khỏe, khả năng chống chịu úng ngập tốt hơn. Chúng đều được coi là đặc sản của địa phương.

Hiện nay bưởi Diễn đã tràn ra nhiều vùng sinh thái vì khả năng thích ứng rộng, vậy những loại bưởi đường khác chỉ có cách cạnh tranh bằng thời vụ và khả năng chống chịu. Dù sao, bưởi Diễn có yêu cầu canh tác khắt khe hơn mới có thể phát huy hết những đặc tính tốt của nó, còn các loại bưởi khác khá thì dễ tính hơn. Huyện Hoài Đức cùng với Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đưa hai giống bưởi đường La Tinh và bưởi đường Quế Dương vào làm chỉ dẫn địa lý chung là bưởi đường Hoài Đức là điều rất nên, rất xứng đáng”.

Bưởi đường Hoài Đức gồm 2 nguồn gen chín sớm là Quế Dương và chín muộn là La Tinh nên có tính rải vụ, đều có giá trị cao, bảo quản lâu nên thời gian có sản phẩm gần như quanh năm.

Đăng nhận xét